Đến Na Hang uống rượu lòng hồ, nghe kể chuyện Tài Ngào bên thác Khuổi Nhi
(CTDD) – Con thuyền tròng trành trên mặt nước, gió thu mang theo hương rừng len vào từng lọn tóc. Tôi ngồi một mình trên mũi thuyền, phía trước là hồ Na Hang trong vắt, mênh mông ôm ấp lấy điệp trùng núi đá vôi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà khách du lịch lại ví nơi này là Hạ Long thứ 2 của Việt Nam. Những ngày mệt nhoài với công việc ở phố chỉ muốn về đây để nghe thác đổ vào lòng cho tan chảy mọi chật chội nơi thành thị.
Đáy mắt anh(*) đầy lên sóng nắng, những hạt nắng mang theo sự trong veo của mạch nguồn suối núi, mang theo hương rừng căng tràn ngược chiều gió mà tỏa ra khắp lối. Tôi bối rối, vì biết anh, có lẽ… là cả hai đang để trái tim lỗi nhịp. Và chính anh là lí do để nhiều lần tôi trở lại nơi này chỉ để kiếm tìm một ánh mắt. Anh là một chàng trai người Tày nghị lực, phóng khoáng và yêu thiên nhiên. Trước khi xây dựng hồ thủy điện Na Hang, nhiều bản làng đã phải di rời đi nhiều nơi do nước ngập nhưng anh chọn ở lại vì anh sinh ra vốn đã nặng vía với núi rừng.
Trải nghiệm Du lịch lòng Hồ Na Hang, nghe kể chuyện Tài Ngào
Có chuyến đi chỉ muốn quay trở về vì cô đơn nhưng có những chuyến đi chỉ muốn thời gian lắng lại, thật chậm để được ở lại với những khoảnh khắc mà cảm xúc mê đắm trong anh, trong thanh bình của đất và người Na Hang. Anh vừa lái thuyền vừa làm hướng dẫn viên cho tôi và những người bạn của tôi từ Hà Nội.
Diện tích lòng hồ bị nước ngập ngày xưa là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày, nổi tiếng với làn điệu hát then mượt mà và những cô gái Tày cần mẫn, khéo léo.
Chúng tôi đi qua ngôi đền Pắc Tạ, ngôi đền nằm ở nơi hợp lưu giữa sông Năng (Bắc Kạn) và sông Gâm, đây là ngôi đền gắn liền với lịch sử cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 vào năm 1285, vị tướng giỏi Chiêu Văn Vương – Trần Nhật Duật lúc đó đang trấn thủ vùng đất Tuyên Quang đã đem lòng ái mộ người con gái một viên tù trưởng địa phương. Cô thiếu nữ miền sơn cước tài mạo, xinh đẹp, tính tình hiền thục lại xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Sau khi đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông, triều đình đứng ra tổ chức hôn lễ cho tướng quân với ái nữ xứ Tuyên. Trên đường đón vị hôn thê của tướng quân về kinh đô, gặp cơn lốc xoáy dữ khiến thuyền bị lật. Người vợ trẻ của tướng quân Trần Nhật Duật và cả đoàn tuỳ tùng bị chìm dưới lòng sông. Đã mấy ngày trôi qua mà thân xác bà vẫn chưa tìm thấy. Cảm thương trước tình cảnh đó, triều đình đã ra lệnh cho toàn dân đôi bờ sông tổ chức tìm vớt thi thể bà và trọng thưởng cho ai tìm thấy. Mấy ngày sau, có người trong dòng họ Ma đã vớt được thi thể bà. Để tưởng nhớ người vợ trẻ của Chiêu Văn Vương – Trần Nhật Duật, những người dân địa phương đã lập đền thờ ngay tại nơi bà quy thác. Và từ đó, dòng họ Ma được quyền chăm lo hương khói cửa đền.
Đến Na Hang nghe kể chuyện Tài Ngào
Từ Pắc Tạ ngược lên Lâm Bình, chúng tôi dừng chân bên “Cọc Vài Phạ”. Cọc Vài Phạ trong tiếng Tày có nghĩa là “Cọc buộc Trâu trời”. Với người Tày ở đây mỗi tên làng, thửa ruộng, mảnh nương đều được đặt tên và gắn liền với sự tích. Cọc vài phạ cũng vậy, gắn liền với sự tích chàng trai Tài Ngào khổng lồ, chăm chỉ, chịu khó. Năm đó hạn hán kéo dài, chàng quyết định đắp đập ngăn sông cho nước dâng lên để lấy nước giúp dân làng. Công việc gần xong thì có một kẻ xấu trong bản muốn cản trở công việc của chàng bèn nhằm lúc chàng đang mải dồn đá, hắn đến và nói dối rằng mẹ chàng ở nhà ốm nặng và đã qua đời. Tài Ngào tưởng thật vội làm chiếc quan tài bằng đá vác về để chôn cất mẹ. Về đến nhà, thấy mẹ đang ngủ say, Tài Ngào tưởng mẹ đã chết liền lấy tay vuốt mắt mẹ. Nào ngờ bàn tay khổng lồ của chàng đã làm móp thái dương mẹ khiến mẹ tắt thở. Thương mẹ, Tài Ngào kêu gào thảm thiết, nước mắt chảy thành sông cuốn trôi chiếc quan tài đá và thi hài mẹ. Thi hài người mẹ trôi mất không tìm thấy còn chiếc quan tài thì vướng lại chỗ chàng đang đắp đập dở, nằm bên bờ sông Gâm. Vào mùa cạn thuyền qua lại phải khiêng qua vì ở đó có rất nhiều đá. Cọc Vài chính là cọc buộc trâu của Tài Ngào khi chàng vác đá để đắp đập… tầng tầng, lớp lớp cổ tích cứ thế mê hoặc du khách được kể bằng chất giọng trầm ấm như bếp lửa nhà sàn của chàng trai người Tày.
Gần trưa, không gian thoáng đãng, sương đã tan những dãy núi chót vót hiện ra giữa mênh mông lòng hồ. Sau vài giờ thưởng ngoạn vẻ đẹp của hồ trên núi thuyền neo lại dưới chân thác “Khuổi nhi”, dưới chân núi nhìn lên dòng thác mỏng như sợi chỉ trắng nối dài từ đỉnh núi đổ xuống lòng hồ. Đây cũng là một điểm trải nghiệm thú vị để bơi lội và đặc biệt là có loại cá massage tự nhiên chỉ ở đây mới có. Anh đưa chúng tôi những chiếc cần câu tự làm bằng tre và dây cước để câu cá, chẳng có gì thư thái hơn là ngồi câu cá giữa đại ngàn thác đổ và chim muông ríu rít. Và thành quả bữa trưa chúng tôi đã có thêm món canh cá nấu lá “thổm lồm”, một loại lá có vị chua dịu mà người Tày rất ưa thích.
Chúng tôi ngồi trên thuyền, thưởng thức những món ngon từ núi rừng, tiếng đàn tính vang lên, những chén rượu rót đầy…
Người Tày Na Hang rất mến khách, bạn đến nhà là phải mời rượu. Người Na Hang uống rượu rất tinh tế, bởi thế mà uống rượu là một nét văn hóa rất riêng của người Na Hang. Rượu ngô men lá Na Hang là loại rượu được nấu bằng men mà phụ nữ Tày tự nhặt từ các loại thảo dược quý trên núi sau đó phơi khô và nghiền với bột nếp để nặn thành men. Rượu ngô Na Hang là sự chắt chiu của nước suối, hương rừng và tấm lòng thơm thảo của những cô gái Tày.
Chạm chén thứ nhất môi em ngọt, chạm chén thứ hai má em hồng, chạm chén thứ 3 đôi mắt em lúng liếng…và cứ thế lời then vang ra như thác đổ, trong veo và cao vút. Tôi nhìn trộm anh và gục vào Na Hang như một người tình. Tôi mê man mơ về chàng Tài Ngào, đền Pắc Tạ hư ảo hiện ra trước mắt, hình như vía tôi đã được buộc vào đây, cùng anh.
Theo Thứ Trịnh
—————————————————————–
(*) Anh – người lái đò kiêm HDV trên hồ Na Hang
Có thể bạn quan tâm: Review du lịch lòng hồ Hòa Bình
Like và theo dõi Chúng ta đi đâu?